TUYỆT TÌNH CỐC VỚI NHỮNG CÂY HOA ANH ĐÀO BẢN ĐIẠ CỔ THỤ BỊ LÃNG QUÊN CỦA LAGI.
Nhật tự hào vì hoa anh đào. Hoa anh đào Nhật có đến 33 loại, có loại đẹp mê hồn, là quốc hoa, là tặng vật của xứ Phù Tang dành cho một số nước trên thế giới. Mấy năm gần đây, Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam đã tặng hoa anh đào cho một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Bà Nà (Đà Nẵng). Vì thế từ tháng 1 đến tháng 3, ở các tỉnh, thành vừa nói trên đã có lễ hội hoa anh đào. Đó là lễ hội của “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, bởi ai cũng muốn biết hoa nở ra sao, vẻ đẹp Nhật là như thế nào?
Câu chuyện trên dễ làm chúng ta trở về với vườn hoa anh đào của La Gi xưa cũ, một La Gi mơ màng bên sóng, hiu hiu gió mỗi khi xuân về. Một La Gi mà khi kiến thiết nó, người ta không quên tạo nên nét đặc thù của phố thị ven biển, cũng như chất thơ mộng nhờ những con đường đầy bóng me, bóng phượng và bóng cây cao niên vốn là cây rừng còn sót lại sau thời kỳ mở mang La Gi. Chính vì vậy, sự có mặt của một vườn anh đào ven thắng cảnh đập Đá Dựng là lẽ đương nhiên.
Đây là vườn anh đào bản địa, không đẹp sặc sỡ, hút hồn như anh đào Nhật, nhưng đủ làm mê người yêu hoa. Điều này giải thích vì sao vài mươi năm trước, vườn hoa anh đào bên đập Đá Dựng luôn dập dìu nam thanh nữ tú, đặc biệt là lúc chớm xuân, đôi khi sang tháng hai, lấp ló tháng ba, khi mà mùa xuân sắp đi qua và mùa hè chuẩn bị bước tới. Dập dìu nhất có lẽ là học sinh của các trường trung học: Bình Tuy, Vinh Tân, Đông Hà (nay là Tân Hà), Tinh Hoa… từng tốp đến vườn anh đào cắm trại, vui chơi, trò chuyện với nhau trên những chiếc ghế đá đặt cạnh những con lân, bên dưới những giàn hoa giấy đỏ tươi trồng xen lẫn trong vườn hoa anh đào.
Vườn hoa anh đào ven đập Đá Dựng ngày ấy chứng kiến bao thanh niên nam nữ hẹn hò, thề bồi với nhau như kiểu “đinh ninh hai mặt, một lời song song”(2), rồi sau đó là dùng vật nhọn khắc tên mình, tên bạn vào gốc anh đào, bệ của gốc hoa giấy với lời dặn: “Sau này, năm, mười năm không thấy em (anh) thì cứ về đây tìm đến gốc cây này để lại đôi ba dòng chữ, địa chỉ cụ thể để tìm lại nhau”. Cứ thế, hàng trăm câu nhắn gửi, chờ nhau được ghi, lưu lại trong vườn anh đào bên bờ Đá Dựng, để nhiều năm sau này, không ít người quay về, tìm kỷ niệm xưa. Đó cũng là thời điểm vườn anh đào không còn nữa, những con lân cảnh trong vườn hoa phiêu tán nơi nào không rõ, và những giàn hoa giấy trồng xen giữa vườn đã lụi tàn theo thời gian. Đó là thời điểm, người đàn ông tôi quen trở lại vườn anh đào, tìm lại chứng tích một thời yêu, với một nữ sinh trước ngày thoát ly để những năm sau này anh thương nhớ khôn nguôi. Người đàn ông từ rừng trở về thì cô gái phiêu bạt nơi nào chẳng rõ, và anh, trong một đêm không ngủ được đã kéo người bạn học cũ (sau này là giám đốc nhà máy nước ở gần đó) trở lại chốn xưa. Đó là một đêm đầy trăng, một đêm hoang hoải kỷ niệm để tiếng lòng bật lên: “Trăng thề còn đó trơ trơ, dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”(3). “Người đàn ông nói với gió, với đôi bờ sông lạnh, muốn nhờ gió đưa những lời nhắn gởi: “Em bây giờ ở đâu? Anh trở lại vườn anh đào chỉ thấy cảnh cũ đìu hiu… Anh muốn nghe tiếng em dầu chỉ một lần, một lần, Nhân ơi…!”. Nhân của ngày xưa ấy bây giờ chân mây, cuối trời nào? Có nghe tiếng gọi đồng vọng của người bạn tuổi thanh xuân? Tôi không thật biết những tiếng gọi tha thiết dồn dập của nhịp tim, của bời bời nỗi nhớ thương ấy đến mức nào, nhưng tôi biết, tôi biết, người đàn ông trở lại vườn anh đào trong đêm, mãi mãi giữ hình ảnh của một thời tuổi trẻ say nồng, đầy thi vị. Nó thấm đậm tình yêu thương và bao nỗi nhớ nhung khi trăng thề còn đó. Chính vì vậy, những ngày sau này mỗi lần về lại La Gi, tôi thường trở lại đập Đá Dựng, cũng như tự hỏi tìm đâu vườn anh đào xưa cũ, khi mà ai đó đã cấp đất cho dân để họ làm nhà ven theo bờ đập, làm mất thắng cảnh, cũng như ít nhiều tạo nên sự không bảo đảm về môi trường, bởi không ít đồ uế tạp được người dân sống gần đó thải xuống dòng sông. Bây giờ muốn họ dời đi cũng không phải dễ… Đây là lý do để thị xã La Gi chưa thể khôi phục cảnh quan, tạo lại vẻ đẹp hai bên bờ sông như thuở ấy.
Trưa nay trở về La Gi, lòng không nghĩ sẽ sống lại với kỷ niệm vì nhiều nỗi lo toan, bất ngờ sao, tôi lại gặp những cây anh đào đơn lẻ, bên hông những căn nhà trong một khu dân cư đang xây dựng, phía sau Trường mầm non Hoa Hồng bấy lâu nay của thị xã. Một mình giữa nắng, tôi ngước mắt nhìn hoa, như muốn nói tôi có bao kỷ niệm nhớ thương… bất ngờ, người đàn ông tuổi ngoài năm mươi đến bên, nói: “Đây là giống anh đào bản địa, gốc tích từ vườn anh đào bên đập Đá Dựng. Em gái tôi, trước khi mất cứ biểu tôi phải đưa một gốc về trồng gần nhà. Không hiểu sao nó rất yêu hoa anh đào, từng thêu những cánh anh đào lên những chiếc gối nhưng không tặng cho ai! Tôi nghĩ, em tôi thêu áo gối cho ngày cưới. Tội nghiệp, nó mất mà không nói vì sao và làm như thế nào với những chiếc áo gối đó”. Người đàn ông nói đến đó thì lặng đi. Tôi cũng quay mặt đi, mắt cay xè. Chẳng lẽ nào tôi khóc giữa trưa nay?
Tuỳ bút của Thanh Tú
Thông tin cần biết :
– Coco Beachcamp với mong muốn khôi phục lại vừơn hoa anh đào xưa, và giới thiệu cho khách du lịch một điạ danh ngủ quên của Lagi – ” Tuyệt tình cốc ” chỉ cách Coco Beachcamp 7km.
– Khi đến quý khách không đc tuỳ tiện hái hoa, hay tắm ở hồ nước.
– Muà này hoa đang nở, dù chỉ con rất ít cây mọc rãi rác bên bờ hồ nhưng vẫn mang một vẽ đẹp mơ mộng, lãng mạn mê hoặc lòng người
Tuỳ bút của Thanh Tú
Thông tin cần biết :
– Coco Beachcamp với mong muốn khôi phục lại vừơn hoa anh đào xưa, và giới thiệu cho khách du lịch một điạ danh ngủ quên của Lagi – ” Tuyệt tình cốc ” chỉ cách Coco Beachcamp 7km.
– Khi đến quý khách không đc tuỳ tiện hái hoa, hay tắm ở hồ nước.
– Muà này hoa đang nở, dù chỉ con rất ít cây mọc rãi rác bên bờ hồ nhưng vẫn mang một vẽ đẹp mơ mộng, lãng mạn mê hoặc lòng người